Thoái hóa cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

8 months ago

Bệnh lý thoái hóa cột sống thắt lưng xuất hiện khá phổ biến ở những người sau 40 tuổi, tuy nhiên với tần suất làm việc vô cùng bận rộn trong xã hội hiện đại, cột sống của chúng ta bị bào mòn nhanh hơn dẫn đến bệnh lý đang có xu hướng trẻ hóa. Trong bài viết dưới đây, An Pháp tập trung về thoái hóa cột sống lưng, giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp.

Tìm hiểu về bệnh lý thoái hóa cột sống thắt lưng

Bệnh lý thoái hóa cột sống lưng là gì

Thoái hóa cột sống hay thoái hóa đốt sống (Spondylosis) là một bệnh lý ảnh hưởng đến cột sống, bao gồm các đĩa đệm, thân đốt sống và các khớp ở vùng lưng, thường xuất hiện ở cả nam và nữ độ tuổi trên 40, nữ giới xuất hiện nhiều hơn. Trong đó thoái hóa vùng cột sống thắt lưng (lumbar spondylosis) hay gặp phải do đây là vùng chịu lực nhiều nhất của cơ thể.

Thoái hóa cột sống làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống và hẹp ống sống.

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng là một bệnh mạn tính, bệnh tiến triển từ từ xuất phát từ các nguyên nhân sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực thời gian dài, lâu dần dẫn đến phần xung quanh như sụn, xương dưới sụn bị tổn thương, trở nên xơ cứng và đĩa đệm mất độ đàn hồi vốn có.

Sinh hoạt và làm việc sai tư thế thời gian dài làm nhanh quá trình thoái hóa cột sống (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Bệnh lý thoái hóa cột sống đến từ nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Tuổi tác càng lớn, mật độ xương càng giảm đi, xương trở nên yếu, mỏng và dễ gãy
  • Yếu tố giới tính cũng tác động đến việc thoái hóa cột sống, nữ giới có cấu trúc xương ít do thân hình nhỏ nhắn hơn nam giới, ảnh hưởng của hormone trong quá trình sinh sản và tình trạng mất xương tăng mạnh ở giai đoạn mãn kinh do giảm nhanh estrogen
  • Sinh hoạt và làm việc sai tư thế thời gian dài, khi liên tục lặp lại những tư thế sai trong công việc và sinh hoạt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp, lâu dần gây thoái hóa, suy giảm chức năng vận động
  • Thói quen ăn uống cũng làm nhanh quá trình thoái hóa nếu chúng ta sử dụng các thực phẩm không tốt cho hệ cơ xương khớp như thức uống có cồn, đồ ngọt, chất béo không tốt,…cũng làm quá trình thoái hóa nhanh hơn
  • Ngoài ra các yếu tố khác như chấn thương, cân nặng, di truyền cũng có tác động đến việc thoái hóa cột sống lưng.

Triệu chứng thoái hóa cột sống lưng

Thoái hóa cột sống thắt lưng do yếu tố tuổi tác thường không xuất hiện triệu chứng hoặc xuất hiện các triệu chứng không rõ ràng, chỉ xuất hiện khi vận động, thực hiện một số tư thế nhất định.

Triệu chứng rõ rệt hơn khi ngồi nhiều, giữ nguyên một tư thế quá lâu như cứng khớp, gây đau, dấu hiệu giảm dần và biến mất khi nghỉ ngơi.

Một số biểu hiện khác khi tình trạng thoái hóa có gây chèn ép:

  • Yếu cơ
  • Vận động kém linh hoạt, khó khăn trong vận động
  • Đau, co thắt cơ đặc biệt là vùng thắt lưng
  • Khó giữ thăng bằng, tư thế đi sai lệch
  • Có vấn đề về hệ tiêu hóa, bài tiết

Phương pháp chẩn đoán

Các phương pháp chẩn đoán thoái hóa cột sống lưng bao gồm

Chẩn đoán lâm sàng thoái hóa cột sống thắt lưng

  • Quan sát giúp phát hiện gù cột sống
  • Sờ giúp phát hiện co cơ cạnh sống
  • Khám thần kinh chi trên, chi dưới, toàn diện
  • Đo tầm vận động
Chuyên gia Vật lý trị liệu khám tầm vận động

Chẩn đoán cận lâm sàng thoái hóa cột sống thắt lưng

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

*Lưu ý: Hạn chế việc chẩn đoán nguyên nhân chỉ dựa vào chẩn đoán hình ảnh khi không có dấu hiệu lâm sàng đi kèm vì có thể đưa đến việc xâm lấn, các can thiệp không cần thiết và tốn nhiều chi phí.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống lưng bao gồm:

Điều trị bảo tồn

Đau lưng cấp tính

Tiên lượng của đau lưng cấp thường tốt, hơn 90% bệnh nhân đến khám sẽ hồi phục trong vòng 8 tuần.

Điều trị dùng thuốc

Thuốc giúp giảm đau, thuyên giảm triệu chứng nhưng chứng minh về cải thiện chức năng vận động của bệnh nhân vẫn còn hạn chế và thuốc không làm đẩy nhanh thời gian phục hồi.  

Điều trị không dùng thuốc 

Chườm nóng có tác dụng hiệu quả, không nên sử dụng chườm lạnh trong đau lưng cấp

Khi có cơn đau lưng cấp nên nằm nghỉ ngơi để giảm triệu chứng. Sau đợt đau cấp, khuyến khích bệnh nhân vận động nhẹ nhàng để đẩy nhanh quá trình hồi phục và có thể áp dụng các bài tập vật lý trị liệu vì thực hiện luyện tập trong cơn đau cấp không có lợi, đặc biệt với bệnh nhân nhạy cảm đau. 

Áp dụng phương pháp vật lý trị liệu như giãn cơ, bài tập lưng giúp cố định cột sống, tăng sức mạnh cơ lưng. Bài tập gập lưng làm tăng sức cơ bụng và bài tập duỗi lưng làm tăng sức mạnh cơ cạnh sống. 

Đau lưng mạn tính

Đau lưng mạn tính thường không hết đau hoàn toàn, hiệu quả điều trị chưa như mong đợi và có thể xuất hiện các đợt đau cấp tính.

Điều trị dùng thuốc 

Thuốc giúp giảm đau ở một mức độ nào đó nhưng không cải thiện triệu chứng hoàn toàn và về lâu dài vẫn cần luyện tập, thay đổi hành vi, lối sống…

Điều trị không dùng thuốc 

Phối hợp hoạt động trị liệu bao gồm các lĩnh vực vật lý, nghề nghiệp, lối sống để bệnh nhân sinh hoạt bình thường, thoải mái và tâm lý trị liệu giúp cân bằng cảm xúc, thay đổi suy nghĩ và hành vi được chứng minh có hiệu quả cải thiện chức năng và giúp giảm đau.

Điều trị can thiệp (Phẫu thuật)

Trong đau lưng cấp thường được chỉ định điều trị bảo tồn, còn đau lưng mạn chỉ định phẫu thuật thường không được ưu tiên vì hiệu quả cải thiện hoàn toàn triệu chứng không cao, hiệu quả giảm đau ngắn hạn, sau 2 – 5 năm hiệu quả phẫu thuật không khác biệt so với điều trị bảo tồn.

Có thể chỉ định phẫu thuật có hay không có đau thần kinh tọa khi bệnh nhân có nguyện vọng can thiệp hoặc không đáp ứng điều trị nội khoa trong vòng 6 – 8 tuần, có kết quả chèn ép rõ ràng về thần kinh trên lâm sàng và cận lâm sàng.

Có thể thấy thoái hóa cột sống lưng tiến triển âm thầm nếu không được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao tinh thần chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp, làm chậm quá trình thoái hóa bằng cách vận động, tập luyện và có lối sống lành mạnh.

Ngoc Tran

Phone