Bài viết được thực hiện bởi
Ths.BS.CK1. Phạm Đình Ngân Thanh
Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh
Cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật mổ tái tạo dây chằng chéo trước, nhu cầu phục hồi chức năng “tăng tốc” để giúp người bệnh sớm trở lại với những hoạt động hàng ngày và thể thao ngày càng tăng cao. Điều này đòi hỏi có sự tập luyện sau mổ phù hợp với độ chắc của mảnh ghép (được dùng để tái tạo dây chằng chéo trước), cùng với việc sử dụng nẹp gối bảo vệ sau mổ.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được tiến hành phục hồi chức năng trước mổ nhằm ngăn ngừa những thương tật thứ cấp không mong muốn (như teo cơ, cứng khớp,v.v.) có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi chức năng sau mổ, đồng thời giúp người bệnh chuẩn bị tốt hơn cho chương trình tập luyện sau mổ.
Giới thiệu
Dây chằng chéo trước là một trong những cấu trúc góp phần giữ vững khớp gối khi đứng, đi và cử động. Nhiệm vụ chính của dây chằng này là giữ không cho xương chày (hay còn gọi xương ống quyển) trượt ra trước và xoay so với xương đùi cũng như ngăn ngừa lực vẹo trong và vẹo ngoài trong khi gối đang chịu lực và hoạt động (Hình 1).
Đứt dây chằng chéo trước gây tình trạng mất vững khớp gối (cảm giác lỏng khớp, đi lại khó khăn) và có thể nhanh dẫn đến thoái hóa khớp gối. Tổn thương này hay gặp ở nam giới, trẻ tuổi, nguyên nhân thường là hậu quả của chấn thương thể thao (nhất là những môn có va chạm hay đòi hỏi sự chuyển hướng, góc độ đột ngột ở khớp gối như bóng đá, bóng rổ, v.v.), hoặc do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động hay sinh hoạt.
Những vấn đề liên quan
Trước mổ tái tạo dây chằng chéo trước
Những triệu chứng thường gặp khi đứt dây chằng chéo trước
- Người bệnh thường cảm thấy hay nghe thấy tiếng “bụp” vào thời điểm chấn thương (70%)
- Yếu hoặc khó khăn khi vận động gối hay khi đi lại, cảm giác “xụm gối”
- Đau trong gối
- Sưng phù hay xuất huyết trong gối
Phương pháp điều trị
Dây chằng chéo trước bị tổn thương sẽ được điều trị bảo tồn hay phẫu thuật tái tạo tùy vào một số yếu tố như:
- Mức độ lỏng lẻo của khớp gối tổn thương
- Sự hiện diện của rách sụn chêm đi kèm
- Mức độ trưởng thành xương của người bệnh
- Mức độ mong đợi của người bệnh về việc tham gia hoạt động thể thao trong tương lai
Người bệnh nên được các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình thăm khám và tư vấn trước khi ra quyết định mổ tái tạo dây chằng chéo trước.
Các yếu tố giúp tiên lượng cho kết quả phục hồi sau mổ
- Yếu tố tiên lượng tốt
- Nam
- Trẻ hơn 30 tuổi
- Mổ tái tạo dây chằng chéo trước trong vòng 3 tháng sau chấn thương
- Chức năng trước mổ tốt
- Yếu tố tiên lượng xấu
- Hút thuốc
- BMI > 30
- Trước mổ, người bệnh không thể duỗi gối hoàn toàn, yếu cơ tứ đầu đùi trước trên 20% và không có chương trình tập trước mổ. Đây là những yếu tố tiên lượng xấu cho kết quả sau mổ, tuy nhiên có thể điều chỉnh được nếu có sự lưu ý phòng ngừa và cải thiện trước khi phẫu thuật diễn ra thông qua chương trình tập trước mổ phù hợp.
Sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước
Sự lành mảnh ghép sau mổ
Mảnh ghép được dùng để tái tạo dây chằng chéo trước thường trải qua 3 giai đoạn lành: giai đoạn sớm (Early), giai đoạn tăng sinh (Proliferation) và giai đoạn trưởng thành (Maturation). Tùy theo nghiên cứu mà thời gian lành ở mỗi giai đoạn có thể ghi nhận khác nhau nhưng nhìn chung, để 1 mảnh ghép có thể trưởng thành, lành chắc thì cần ít nhất khoảng 1 năm (Hình 2). Vì vậy, trong từng giai đoạn lành của mảnh ghép, người bệnh cần được chọn lựa các bài tập vận động phù hợp cũng như được hướng dẫn các tư thế đúng trong quá trình lao động, vui chơi và sinh hoạt hàng ngày để tránh gây tổn hại lên mảnh ghép, ảnh hưởng kết quả phục hồi sau mổ.
Những vấn đề có thể gặp sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước
- Đau
- Phù chân
- Yếu cơ, teo cơ chân
- Khó khăn trong sinh hoạt, nhất là hoạt động liên quan đến đi lại
Thời điểm trở lại thể thao
Thời điểm này sẽ tùy vào loại hình thể thao cũng như tốc độ phục hồi của người bệnh. Thông thường, ít nhất người bệnh cũng phải đạt được hơn 80% về sức mạnh cơ chức năng, sức bền và sự nhanh nhẹn so với chân bên không tổn thương dây chằng. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải vượt qua được một số thử nghiệm chức năng để bảo đảm sự sẵn sàng quay trở lại thể thao (ví dụ như: nhảy lò cò và dừng lại, nhảy thẳng đứng, v.v.)
Phục hồi chức năng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước
Chương trình phục hồi chức năng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước cần tuân theo một số nguyên tắc cơ bản:
- Đạt được hết tầm độ cử động khớp gối và giảm viêm, phù trước mổ để tránh xơ dính khớp
- Kiểm soát phù và đau để làm giảm sự ức chế hoạt động của cơ và tình trạng teo cơ
- Sử dụng bài tập vận động phù hợp để tránh làm tưa hay đứt mảnh ghép (dùng để tái tạo dây chằng chéo trước) còn yếu, chưa lành chắc
- Chịu lực và tập vận động khớp sớm, chú trọng đạt được hết tầm độ duỗi gối
- Tập cơ đùi sớm
- Kéo dãn cơ, làm mạnh và tập luyện cơ chân một cách toàn diện
- Tái huấn luyện thần kinh cơ và cảm thụ bản thể
- Huấn luyện chức năng
- Huấn luyện tim phổi
- Tăng tiến từng bước dựa trên những mục tiêu trị liệu đã đạt được
Những phương thức dùng trong phục hồi chức năng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước:
- Nẹp bảo vệ: Nẹp bất động hoặc nẹp gối có khóa được dùng ngay sau mổ và chỉ bỏ ra/ mở khóa khi người bệnh đi tắm hoặc tập luyện. Nẹp thường được mang 4 – 6 tuần sau mổ và được ngưng sau khi gối gấp được hơn mức giới hạn của nẹp, với sự đồng ý của bác sĩ mổ hoặc bác sĩ phục hồi chức năng đang theo dõi điều trị người bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể cần dùng nẹp bảo vệ khớp gối khi chơi thể thao cho đến 1 – 2 năm sau mổ tái tạo dây chằng
- Dụng cụ hỗ trợ di chuyển: Nạng thường được hướng dẫn cho người bệnh di chuyển với mức độ chống chân theo khả năng trước khi xuất viện. Người bệnh có thể đi không dùng nạng khi đã có thể đứng được trên chân bị tổn thương với nẹp không khóa hoặc khi không còn đi khập khễnh
- Các tác nhân vật lý trị liệu như điện trị liệu, chườm lạnh, v.v. kết hợp với băng ép, kê cao chi: có thể được sử dụng để giúp giảm đau và phù chân ngoài phương thức dùng thuốc
- Vận động trị liệu (với các bài tập về tầm độ khớp, mạnh cơ, tái thiết lập sự kiểm soát thần kinh cơ, sức bền tim phổi, huấn luyện chức năng, dáng đi, v.v.) và hoạt động trị liệu phù hợp tùy theo từng giai đoạn lành mảnh ghép: giúp người bệnh tối ưu hóa chức năng và hoạt động trong quá trình chờ mảnh ghép lành chắc và tạo thuận cho việc trở lại sinh hoạt, lao động và vui chơi, thể thao trong tương lai.
Khả năng tái chấn thương
Người bệnh có nguy cơ tái chấn thương dây chằng chéo trước do đứt lại mảnh ghép (khoảng 5%) hay đứt dây chằng chéo trước đối bên (>10%). Điều này liên quan đến sự thay đổi về cơ sinh học và chức năng thần kinh cơ sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước
Tài liệu tham khảo
Boyer M. I., Azar F. M., Teuscher D. D., & Williams Jr R. G. (2018). AAOS Comprehensive Orthopaedic Review 2. Wolters Kluwer Health.
Hồ Quang Hưng (2018). PHCN sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước. https://drhungho.com/phcn-sau-mo-tai-tao-day-chang-cheo-truoc/
O’Connor F.G. (2012). ACSM’S Sports Medicine: A Comprehensive Review. Wolters Kluwer Health/Lippincott Williams & Wilkins
Palastanga N., Soames R.W. (2011). Anatomy and Human Movement E-Book: Structure and function. Elsevier Health Sciences
Prentice W.E., Voight M.L. (2001). Techniques in musculoskeletal rehabilitation. McGraw-Hill
Yao S., Fu B. S., Yung P. S. (2021). Graft healing after anterior cruciate ligament reconstruction (ACLR). Asia-Pacific journal of sports medicine, arthroscopy, rehabilitation and technology, 25, 8–15. https://doi.org/10.1016/j.asmart.2021.03.003