Trong nhiều năm trở lại đây, thoái hóa cột sống cổ hay thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ đang trở thành một trong nhiều vấn đề sức khỏe phổ biến nhất. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh này, dẫn đến tình trạng điều trị chậm trễ, rủi ro phát sinh biến chứng tăng lên, bao gồm cả nguy cơ bại liệt.

1. Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ (Cervical spondylosis) là một bệnh lý về xương khớp, mô tả tình trạng cột sống tại vùng cổ bị suy yếu do nhiều nguyên nhân tác động. Bệnh được bắt đầu bởi tình trạng viêm và lắng đọng canxi trên dây chằng quanh cột sống. Hiện tượng này làm hẹp các lỗ liên hợp nằm sau đốt sống, cản trở sự lưu thông tự nhiên của mạch máu và các dây thần kinh bên trong. Sau đó, các triệu chứng thoái hóa đốt sống xuất hiện, gây đau vùng cổ gáy, đặc biệt là khi vận động, cúi, xoay hoặc ngửa cổ.

Hiện nay, tỷ lệ mắc thoái hóa cột sống cổ ở nam giới và nữ giới là ngang bằng nhau. Đây cũng là bệnh lý mãn tính phổ biến, với tính chất diễn biến chậm và có thể thoái hóa ở bất kỳ đốt sống nào. Trong đó, đoạn C5 – C6 – C7 trên cột sống là dễ gặp nhất.

2. Thoát vị đĩa đệm ở cổ do những nguyên nhân nào?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến đĩa đệm bị thoát vị. Trong đó phổ biến là các nguyên nhân như:

2.1. Tuổi tác

Đĩa đệm sẽ dễ bị thoát vị hơn do hao mòn theo thời gian. Khi còn trẻ, đĩa đệm của chúng ta có rất nhiều nước. Nhưng khi chúng ta già đi, lượng nước trong đĩa đệm giảm dần khiến đĩa đệm kém linh hoạt hơn. Điều này nghĩa là khi bạn di chuyển hoặc vặn cổ, đĩa đệm có khả năng bị rách hoặc thoát vị.

2.2. Di truyền

Di truyền cũng là một trong những yếu tố khiến bạn đối mặt với nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cổ. Cụ thể, nếu trong gia đình bạn có người bị thoát vị đĩa đệm cổ, bạn cũng có thể mắc bệnh.

2.3. Lối sống kém lành mạnh

Những thói quen kém lành mạnh như sử dụng thuốc lá, lười tập thể dục thường xuyên và dinh dưỡng không đầy đủ sẽ góp phần làm cho sức khỏe đĩa đệm dần kém đi. Vì thế, bạn cần tránh xa hoặc thay đổi những thói quen này.

2.4. Tư thế sai

Tư thế sai kết hợp với vận động không chính xác có thể gây thêm áp lực cho cột sống cổ. Bên cạnh đó, những người lao động bốc vác hay thường xuyên phải chịu lực nặng lên cột sống cổ cũng là đối tượng dễ mắc phải các tình trạng về đĩa đệm.

3. 5 triệu chứng thoái hóa cột sống cổ

Ở giai đoạn đầu, thoái hóa cột sống cổ khó nhận biết vì không có dấu hiệu cụ thể nào. Người bệnh chỉ phát hiện khi thoái hóa chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng, với 5 triệu chứng điển hình như:

3.1. Đau nhức

Xuất hiện các cơn đau mỏi, khu trú xung quanh vùng cổ – gáy, vùng cổ – vai, đôi khi gây nên tình trạng vẹo cổ hoặc sái cổ. Cơn đau sau đó lan tới đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm và vùng trán, đau từ gáy lan xuống một bên hoặc cả hai bên cánh tay.

3.2. Chi trên mất cảm giác

Khi rễ thần kinh bị chèn ép nhiều, người bệnh có cảm giác đau tê như “điện giật” từ phần vai xuống cánh tay. Một số trường hợp nặng có thể khiến bệnh nhân bị teo cơ, yếu liệt hoặc mất cảm giác sâu ở đôi bàn tay (cầm vật dụng dễ bị rơi, khó thực hiện các động tác khéo léo).

3.3. Cứng cổ vào buổi sáng

Nếu thời tiết trở lạnh, kết hợp với tư thế ngủ ban đêm không thuận lợi thì người bệnh có thể bị cứng cổ vào sáng hôm sau. Tình trạng cứng cổ khiến bệnh nhân gặp phải khó khăn khi cúi gập, xoay cổ hoặc ngửa cổ.

Mặt khác, có người đau ê ẩm cả vùng gáy hoặc mảng sau đầu. Cơn đau tiếp đó lan sang mảng đầu bên phải và có thể tăng mức độ nếu như ho hoặc hắt hơi. Một số khác đau liên tục, không thể quay đầu sang trái hay sang phải, mà phải xoay cả người.

3.4. Dấu hiệu Lhermitte

Dấu hiệu Lhermitte là triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ đa xơ cứng. Đây là cảm giác khó chịu đột ngột như có luồng điện đi từ cổ xuống xương sống, lan sang ngón tay hoặc ngón chân. Tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng nếu như bạn cúi cổ về phía trước.

3.5. Các triệu chứng khác

Trong trường hợp tổn thương ở các đốt sống C1 – C2 hoặc C4, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng nấc, ngáp, chóng mặt hoặc mất thăng bằng…

4. Biến chứng do thoái hóa đốt sống cổ

Bệnh thoái hóa cột sống cổ nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe:

Rối loạn tiền đình: Thoái hóa cột sống cổ không chỉ làm tổn thương lỗ tiếp hợp, mà còn gây thiếu máu não và rối loạn tiền đình, với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi và dễ bị ngã tai nạn (với người cao tuổi).

Thoát vị đĩa đệm cổ: Cột sống cổ bị thoái hóa lâu ngày không điều trị, có thể chuyển sang thoát vị đĩa đệm cổ. Lúc này quá trình chữa bệnh trở nên khó khăn và nguy cơ rối loạn cảm giác, rối loạn thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ) hay bại liệt là rất cao.

Yếu và tê ở các vị trí từ cổ trở xuống: Đây chính là biến chứng nguy hiểm nhất. Khi gai xương và ống xương sống bị thu hẹp thì tủy sống nhanh chóng bị chèn ép. Điều này khiến người bệnh bị yếu liệt các vị trí dưới cổ, kèm theo cơn đau nhức dữ dội.

5. Chẩn đoán bệnh thoái hóa đốt sống cổ

Thông thường, thoái hóa cột sống cổ được chẩn đoán dựa trên các biện pháp khám lâm sàng hoặc xét nghiệm cận lâm sàng.

5.1. Khám lâm sàng

Kiểm tra khả năng vận động của cột sống cổ.
Kiểm tra khả năng phản xạ và sức cơ ở hai tay, nhằm phát hiện tác động của thoái hóa lên tủy sống hoặc dây thần kinh.

5.2. Chỉ định các xét nghiệm

X – quang: Chụp X – quang giúp bác sĩ phát hiện những dấu hiệu bất thường, gây thoái hóa cột sống cổ như gai xương hoặc cầu xương. Ngoài ra, X – quang còn loại trừ các nguyên nhân hiếm gặp hoặc nghiêm trọng hơn đối với bệnh đau cột sống cổ, điển hình như khối u, gãy xương hoặc nhiễm trùng.
Chụp CT: Chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết về tình trạng tổn thương xương ở mức độ nhỏ.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI giúp nhận biết chính xác các khu vực nơi dây thần kinh bị chèn ép.

Phone