TÌM HIỂU VỀ BỆNH LÝ THOÁI HÓA KHỚP GỐI VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

8 months ago

Thoái hóa khớp gối hay viêm xương khớp gối là bệnh lý thoái hóa phổ biến nhất với tỷ lệ 240 người trên 100.000 người mỗi năm gặp phải. 13% phụ nữ và 10% nam giới từ 60 tuổi trở lên mắc bệnh thoái hóa khớp gối xuất hiện triệu chứng, tỷ lệ lên đến 40% với những người trên 70 tuổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối ở nam giới cũng thấp hơn ở nữ giới.

Tại Việt Nam, có đến 87% người cao tuổi mắc bệnh lý thoái hóa khớp gối có triệu chứng. Tuy nhiên, không phải ai bị thoái hóa khớp gối đều có triệu chứng lâm sàng mặc dù trên chẩn đoán hình ảnh có dấu hiệu thoái hóa. 

Trong bài viết này, hãy cùng An Pháp tìm hiểu về bệnh lý thoái hóa khớp gối cũng như phương pháp điều trị nhé.

Tìm hiểu về bệnh lý thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là gì

Thoái hóa khớp gối hay viêm xương khớp đầu gối là kết quả của sự biến đổi, hao mòn sụn khớp, lâu dần có thể dẫn đến tổn thương và biến dạng cấu trúc xung quanh như sụn chêm, màng hoạt dịch hay dây chằng. Thoái hóa khớp gối được chia thành hai loại, đó là nguyên phát và thứ phát. 

Thoái hóa khớp gối nguyên phát

Đây là loại thoái hóa khớp gối thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt ở độ tuổi trên 60, thoái hóa khớp gối nguyên phát tiến triển chậm, xuất hiện muộn. Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa như yếu tố di truyền, nội tiết tố và chuyển hóa.

Thoái hóa khớp gối thứ phát

Khác với nguyên phát, thoái hóa khớp gối thứ phát có thể gặp ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân sau đây:

  • Sau chấn thương khiến trục khớp thay đổi (Gãy xương khớp, can lệch,…)
  • Sau phẫu thuật
  • Bất thường trục khớp gối bẩm sinh (Khớp gối quay ra ngoài, khớp gối quay vào trong, khớp gối quá duỗi,…)
  • Sau các tổn thương viêm tại khớp gối (Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ khớp gối, bệnh gout,…)
  • Sai vị trí (varus/valgus)
  • Vẹo cột sống
  • Bệnh còi xương
  • Bệnh nhiễm sắc tố sắt mô
  • Bệnh canxi hóa sụn
  • Bệnh hồng cầu hình liềm

Triệu chứng lâm sàng 

Hai triệu chứng thường gặp ở bệnh lý thoái hóa khớp gối là đau khởi phát từ từ và giới hạn vận động. Ngoài ra, còn có các triệu chứng sau đây

  • Đau khớp không liên tục và tái phát, tăng lên khi cử động khớp và giảm khi nghỉ
  • Cứng khớp vào buổi sáng và kéo dài ít hơn 30 phút
  • Sưng khớp do phản ứng viêm

Chẩn đoán lâm sàng

  • Nhìn thấy dấu hiệu khớp sưng
  • Khi sờ thấy phì đại xương hoặc sưng nề do tràn dịch khớp, không nóng và lượng ít
  • Ấn đau dọc theo đường khớp gối, có hoặc không có đau các cấu trúc xung quanh khớp gối đi kèm
  • Khi cử động khớp có dấu hiệu như lạo xạo khớp gối, giảm biên độ cử động khớp và yếu cơ khu trú.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Chụp X-quang

Trên phim chụp X-quang giúp đánh giá các dấu hiệu đặc trưng của thoái hóa khớp gối như có xuất hiện gai xương, hẹp khe khớp và xơ xương dưới sụn.

Chụp cộng hưởng MRI

Phát hiện các dấu hiệu thoái hóa khớp gối trên sụn khớp, sụn chêm, màng hoạt dịch và xương dưới sụn, có bao gồm tổn thương sụn, tràn dịch khớp, tổn thương tủy xương và tổn thương dây chằng.

Siêu âm

Siêu âm giúp phát hiện những thay đổi bất thường của cấu trúc sụn khớp, đánh giá mô mềm quanh khớp và theo dõi diễn tiến của bệnh.

Phương pháp điều trị 

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối áp dụng nguyên tắc

  • Giảm đau trong các đợt tiến triển
  • Phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống 

Điều trị không dùng thuốc

Tập thể dục

Tập thể dục là phương pháp cải thiện vận động cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối, việc tập thể dục có tác dụng tương tự thuốc giảm đau thông thường hoặc NSAID và ít có tác dụng phụ.

Tập thể dục hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp gối (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Bệnh nhân được khuyến khích hình thức tập thể dục phù hợp theo hướng dẫn để giảm tình trạng teo cơ như aerobic, tập thể dục kháng lực dưới nước.

Tập thể dục mang lại hiệu quả khá tốt, gần một nửa bệnh nhân giảm đau sau 6 tháng tập luyện.

Giảm cân

Giảm cân sẽ giúp giảm tải sức nặng lên khớp gối, cải thiện chức năng vận động và giảm đau.

Các bài tập thăng bằng

Bài tập thăng bằng giúp cải thiện khả năng kiểm soát và ổn định tư thế, phòng chống té ngã

Bài tập giữ thăng bằng trong điều trị thoái hóa khớp gối (Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Ngoài ra yoga hay thái cực quyền cũng có ích trong điều trị thoái hóa khớp như cải thiện sức bền, giữ thăng bằng và nâng cao sức khỏe tinh thần của bệnh nhân.

Một số phương pháp khác

  • Công cụ hỗ trợ khớp gối
  • Liệu pháp nhiệt
  • Châm cứu

Điều trị dùng thuốc

Dùng thuốc giúp giảm cơn đau cấp, sưng, viêm ban đầu cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Sau đó bệnh nhân cần được điều trị bảo tồn để phục hồi chức năng vận động của khớp và ngăn ngừa các biến dạng khớp

Điều trị can thiệp 

Điều trị dưới nội soi khớp

  • Cắt, lọc, bào rửa khớp
  • Khoan kích thích tạo xương 
  • Cấy ghép tế bào sụn

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo

Thay khớp gối một phần hoặc toàn bộ và được chỉ định ở các thể nặng tiến triển, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động.

Dự phòng thoái hóa khớp gối

Bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ triệu chứng và các ảnh hưởng của triệu chứng lên chức năng vận động, chất lượng cuộc sống cũng như đánh giá hiệu quả điều trị và khả năng đáp ứng trị liệu.

Phòng ngừa thoái hóa khớp bằng cách nắm thông tin, kiến thức về kỹ thuật bảo vệ khớp khi sinh hoạt, làm việc và chơi thể thao để phòng chống chấn thương.

Thay đổi lối sống như sinh hoạt đúng tư thế và chú ý cách ăn uống, hạn chế tăng cân nhiều để giảm tải trọng khớp gối.

An Pháp hy vọng rằng bài viết này sẽ mang đến thông tin hữu ích cho người đọc và giúp mỗi người nhận biết được tầm quan trọng của việc thấu hiểu về sức khỏe cơ xương khớp của chính, từ đó dự phòng thoái hóa khớp từ sớm, đặc biệt là bệnh lý thoái hóa khớp gối.

Tham khảo tài liệu:

  1. Bệnh cơ xương khớp ở người cao tuổi – Đại học Y Dược TPHCM – NXB Đại học Quốc gia TPHCM.
  2. Bệnh lý thoái hóa khớp gối – National Institututes of Health

Ngoc Tran

Phone