Phục hồi chức năng sau phẫu thuật gãy xương đòn

7 months ago

Gãy xương đòn là một trong những chấn thương khá phổ biến, chiếm 10% trên tổng số các ca gãy xương, nhiều nhất ở trẻ em. Xương đòn cũng là một trong những xương dễ lành khi được điều trị đúng cách. Cùng An Pháp tìm hiểu về quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương đòn bạn nhé.

phuc hoi chuc nang sau phau thuat gay xuong don
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật gãy xương đòn

Xương đòn là gì

Xương đòn hay xương quai xanh là xương hình chữ S liên kết xương giữa chi trên và thân. Xương đòn khớp với mỏm cùng vai và xương ức giúp kết nối cánh tay với cơ thể. Xương đòn vận động khi cánh tay đưa cao hơn vai. Do vị trí nông dưới da và có nhiều lực dây chằng, cơ tác dụng nên xương đòn rất dễ gãy.

gay xuong don
Gãy xương đòn thân giữa

Phân loại gãy xương đòn

Theo phân loại Allman dựa trên vị trí, gãy xương đòn được chia thành 3 nhóm: 

  • Nhóm I: Gãy ⅓ giữa (hoặc gãy thân giữa) là nhóm phổ biến nhất
  • Nhóm II: Gãy ⅓ ngoài 
  • Nhóm III: Gãy ⅓ trong.

Theo phân loại Neer dựa trên mức độ, gãy xương đòn được chia thành 3 loại:

  • Loại I: Được xem là gãy ổn định, có sự dịch chuyển tối thiểu (một vỏ xương, dưới ⅓ của thân xương), vết gãy xảy ra ngay bên cạnh dây chằng cùng quạ nguyên vẹn. Áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn, không cần phẫu thuật
  • Loại II: Được xem là gãy không ổn định, mảnh gãy bị tách ra khỏi phức hợp xương đòn. Gãy xương nhóm này có biến dạng rõ ràng cũng như tỷ lệ liền xương không cao. Gãy xương loại II cần phẫu thuật
  • Loại III: Gãy xương có thể kèm theo tổn thương khớp. Tùy theo mức độ được chỉ định điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

Nguyên nhân 

Gãy xương đòn xảy ra chủ yếu do té ngã, tai nạn, va đập vào vai khi chơi thể thao, chấn thương trong sinh hoạt.

Trẻ em và người trẻ tuổi có nguy cơ gãy xương đòn cao hơn do xương chưa thật sự cứng và chắc. Tỷ lệ gãy xương đòn giảm khi đến độ tuổi trưởng thành và tăng lên khi mật độ xương giảm.

Một số ít trường hợp khác do bệnh lý vùng xương đòn làm tăng nguy cơ gãy xương.

Triệu chứng

  • Bệnh nhân bị gãy xương đòn thường có biểu hiện đau khu trú ở vị trí gãy xương 
  • Khi khám lâm sàng, bệnh nhân có thể có biểu hiện biến dạng rõ ràng hoặc sờ thấy được ở vị trí gãy xương
  • Vai thường bị kéo xuống ở những bệnh nhân bị gãy một phần ba giữa của xương đòn, do tác động của cơ ngực lớn và cơ lưng rộng lên mảnh xa.
  • Cơ ức đòn chũm đẩy mảnh gần lên trên
  • Gãy xương bị lệch hoặc gập góc nghiêm trọng có thể dẫn đến da bị căng, bầm tím, điều này cho thấy nguy cơ cao phát triển thành gãy xương hở
  • Kiểm tra thêm các chấn thương vị trí lân cận như sờ nắn xương sườn, xương bả vai để đánh giá khả năng gãy xương hay có tổn thương cơ quan bên trong không.

Phương pháp điều trị gãy xương đòn

Cần được chỉ định chỉnh hình ngay đối với những bệnh nhân bị tổn thương thần kinh mạch máu, gãy xương hở, da bị căng, góc cạnh hoặc dịch chuyển nghiêm trọng hoặc bất kỳ vết rách nào ở vùng da gần chỗ gãy, đây là những chỉ định tuyệt đối cho phẫu thuật. Phương pháp điều trị chính cho gãy xương đòn là giảm đau, cố định và theo dõi chỉnh hình thích hợp.

Thời gian liền xương dựa vào độ tuổi, giới tính và thể trạng của mỗi người.

Trong gãy xương đòn giữa loại I, điều trị bảo tồn không phẫu thuật là phương pháp được áp dụng nhiều nhất, đặc biệt đối với gãy đoạn giữa không di lệch không biến chứng, điều trị bảo tồn có ít biến chứng và hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật. 

Ở những bệnh nhân loại II có nguy cơ không liền xương cao hơn, phẫu thuật cố định giúp cải thiện kết quả của bệnh nhân.

Gãy xương đòn loại III không di lệch, ở đầu gần, được điều trị bảo tồn bằng dây đeo để hỗ trợ và tạo sự thoải mái. Khuyến khích dùng thuốc giảm đau và vận động sớm

Điều trị cho trẻ em cũng tương tự như người lớn. Do khả năng tái tạo màng xương ở trẻ em rất lớn nên quá trình lành vết thương diễn ra nhanh hơn. 

Phục hồi chức năng trong điều trị bảo tồn gãy xương đòn

Việc liền xương sẽ mất nhiều thời gian hơn trong điều trị bảo tồn so với phẫu thuật. Quá trình liền xương trong trường hợp gãy giữa mất khoảng từ 18 đến 28 tuần sau chấn thương.

Trong 2-4 tuần đầu tiên, có thể áp dụng nguyên tắc POLICE trong trường hợp gãy xương đòn cấp tính không di lệch

  • Protection (bảo vệ): Bất động vùng xương đòn bằng đai số 8 hoặc đai vai (sling or figure-of-eight brace) để phòng ngừa di lệch hoặc gãy thứ phát
  • Optimal Loading: Tải lực vừa phải
  • Ice: Chườm lạnh 
  • Compression: Băng ép
  • Elevation: Kê cao (trong liệu pháp R.I.C.E)

Giai đoạn bất động

Lưu ý không nên bất động quá lâu vì làm quá trình phục hồi chậm hơn. Bệnh nhân đã có thể cử động nhẹ nhàng ngay sau khi phẫu thuật. Mục tiêu là cải thiện lưu thông máu, duy trì lực cơ ở các khớp tự do, chống teo cơ, cứng khớp do bất động.

(*) Tuần 1 – 2 sau chấn thương

  • Sử dụng đai số 8 
  • Tự cử động cổ tay, khuỷu tay (không có đai) nhiều lần trong ngày để phòng ngừa cứng khớp
  • Không đưa khuỷu tay cao ngang vai do có thể gây đau
  • Chú ý đến tư thế sinh hoạt đúng và tầm vận động cột sống cổ
  • Tầm vận động vai chỉ nên giới hạn ở bài tập con lắc (pendulum exercises)

(*) Tuần 3 – 6 sau chấn thương

  • Giảm dần thời gian sử dụng đai
  • Bắt đầu sử dụng vai và tay cho các sinh hoạt hàng ngày nhẹ nhàng 
  • Tầm vận động chủ động khớp vai nên < 90 độ trong 6 tuần đầu
  • Tập các bài tập di động xương bả vai 
  • Bắt đầu khởi động các bài tập kháng lực cho vai
  • Hạn chế xách nặng trong 6 tuần đầu
  • Tăng dần cường độ các bài tập sức bền và cardio như đi bộ nhanh, đạp xe đạp tĩnh

(*) Tuần 6 – 12 sau chấn thương

  • Tập lấy lại tối đa tầm vận động của vai ở mọi mặt phẳng
  • Tăng dần các bài tập kháng lực cho ổn định xương bả vai, cơ nhị đầu, chóp xoay
  • Các hoạt động thể thao và  mang xách nặng vẫn chưa được phép cho tới khi không còn thấy đau + hình ảnh thể hiện sự liền xương 

(*) Sau 12 tuần

  • Tăng cường độ các bài tập mạnh cơ, sức bền, cardio
  • Quay trở lại thể thao phải được sự cho phép của các nhà Vật lý trị liệu qua các bài kiểm tra tùy thuộc vào nhu cầu của người bệnh
  • Các môn thể thao đối kháng, va chạm nên tránh trong 3-4 tháng sau chấn thương, chỉ có thể chơi lại được khi có bằng chứng lành xương trên hình ảnh, tầm vận động khớp vai và sức cơ bình thường, không đau khi sờ chạm.

Giai đoạn phục hồi chức năng sau phẫu thuật gãy xương đòn

Phẫu thuật giúp xương lành nhanh hơn so với điều trị bảo tồn. Vì vậy, thời gian bất động ngắn hơn so với điều trị bảo tồn và các bài tập vận động và tăng cường sức mạnh để phục hồi sau phẫu thuật gãy xương đòn có thể được chỉ định sớm hơn so với điều trị bảo tồn. Tiến trình tập luyện tương tự trong điều trị bảo tồn nhưng tốc độ tiến triển có thể nhanh hơn.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc thông tin Y khoa về phục hồi chức năng sau phẫu thuật gãy xương đòn của chúng tôi. Thường xuyên truy cập website An Pháp để cập nhật thông tin mới nhất bạn nhé.

Nguồn tham khảo: Thông tin chuyên môn từ Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng và tham khảo thông tin Physiopedia

Ngoc Tran

Phone